Mỗi vùng miền sẽ một vài nét riêng trong phong tục cưới hỏi, lễ lên đèn chính là nét riêng trong đám cưới miền Nam. Người miền Nam ví ngọn lửa như biểu tượng của hạnh phúc gia đình. Vậy bạn có biết lễ lên đèn là gì không? Trình tự thực hiện như thế nào và những lưu ý gì khi làm lễ? Hãy cùng theo dõi bài viết sau để trả lời cho những thắc mắc này nhé.
Lễ lên đèn là gì?
Lễ lên đèn còn gọi là lễ thượng đăng. Đối với người dân Nam Bộ thì đây là một trong những nghi lễ cưới quan trọng nhất. Trong ngày rước dâu, nhà trai sẽ chuẩn bị cặp đèn cầy long phụng. Cặp đèn này có màu đỏ, to và vừa với chân đèn bên nhà gái. Hình long phụng được khắc uống quanh thân đèn.
Ngoài ra, cũng có một số nơi ở miền Trung cũng thực hiện nghi lễ này trong đám cưới.
Lễ lên đèn có ý nghĩa gì?
Lễ lên đèn mang rất nhiều ý nghĩa hay như là:
Là nghi lễ để cặp đôi chính thức xin phép ông bà tổ tiên ủng hộ cho tình yêu đôi lứa.
Nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và ba mẹ đã sinh thành và nuôi dạy.
Như lời nhắc nhở cho các cặp đôi về tầm quan trọng của hôn nhân. Cuộc sống sau này phải cùng nhau trải qua khó khăn, thử thách và có trách nhiệm với nhau.
Nghi lễ này là nét độc đáo trong đám cưới ở Nam Bộ, họ quan niệm lửa tượng trưng cho gia đình có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.
Trình tự thực hiện lễ lên đèn
Vào ngày cử hành hôn lễ, gia đình nhà trai sẽ chuẩn bị sính lễ và mang sang nhà gái. Trong số các sính lễ cưới, ngoài trầu cau, hoa quả, trang sức, rượu trà, bánh kẹo còn có một đôi đèn cầy cưới.
Khi đến giờ, gia chủ sẽ mở bao, lấy ra hai cây đèn và chính thức thông báo lễ lên đèn bắt đầu.
Người đại diện nhà gái sẽ thắp sáng 2 cây đèn long phụng bằng ngọn lửa của cây đèn dầu đặt trên bàn thờ tổ tiên. Phải đảm bảo ngọn lửa của 2 cây đèn sáng đều, nếu cây nào cháy yếu thì phải nghiêng tim lại cho lửa cháy mạnh trở lại.
Hai ngọn đèn đang cháy sẽ được người chủ hôn từ từ đưa sát vào nhau khi khấn vái. Khi khấn tổ tiên xong, hai ngọn đèn sẽ được trao cho cô dâu chú rể. Cặp đôi mỗi người nhận một ngọn đèn và cắm nó vào chân đèn được đặt sẵn trên bàn thờ.
Lễ lên đèn được diễn ra ở đâu?
Thường thì nghi lễ sẽ được tổ chức ở nhà gái trong ngày rước dâu. Bên nhà trai sẽ mang sính lễ cùng với cặp đèn long phụng sang. Đại diện nhà gái sẽ tiến hành lễ trước bàn thờ gia tiên của nhà gái.
Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình làm lễ lên đèn ở cả nhà trai lẫn nhà gái nhưng phong tục lên đèn bên nhà gái là bắt buộc trong đám cưới người Nam Bộ.
Ai là người cử hành lễ lên đèn
Như đã nói ở trên, sẽ có người đại diện bên nhà gái cùng với cô dâu chú rể thực hiện lễ lên đèn trước bàn thờ gia tiên nhà gái. Người đại diện sẽ tuyên bố bắt đầu buổi lễ và châm lửa cho hai ngọn đèn trước khi giao nó cho đôi uyên ương.
Người đại diện sẽ giao ngọn đèn hình con rồng cho chú rể, còn ngọn đèn hình con phụng sẽ được đưa cho cô dâu. Sau khi cặp đôi nhận ngọn đèn phải giữ cho nó cháy đều cả 2 bên rồi cắm nó lên chân đèn được chuẩn bị sẵn trên bàn thờ tổ tiên.
Lễ lên đèn được cử hành khi nào?
Tùy theo cách thức tổ chức đám cưới, có những gia đình sẽ thực hiện lễ lên đèn trong lễ cưới cũng có những nhà lại làm nó vào lễ ăn hỏi. Nếu lễ cưới và lễ ăn hỏi được gộp chung vào một ngày thì lễ lên đèn sẽ được diễn ra trong ngày cưới luôn.
Còn nếu lễ ăn hỏi được tổ chức trước rồi đến lễ cưới thì trong lễ ăn hỏi sẽ diễn ra lễ thắp đèn.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện nghi lễ lên đèn trong đám cưới
Phong tục hay nghi thức nào cũng sẽ có những quan niệm may rủi về nó. Lễ lên đèn cũng vậy, nó cũng sẽ có những điều nên tránh khi thực hiện nghi thức.
Người xưa cho rằng nếu trong quá trình cử hành mà đèn bị tắt thì hôn nhân của cặp đôi sẽ gặp những xui xẻo. Chính vì vậy, người ta thường hay tắt hết quạt và đóng cửa sổ lại để tránh gió làm cho đèn bị tắt.
Ngọn lửa của hai cây đèn phải được sáng đều vì các cụ cho rằng nếu như đèn cháy bên cao bên thấp thì cô dâu tương lai sẽ lấn át chồng.
Có thể thấy, lễ lên đèn là nghi thức quen thuộc trong đám cưới Nam Bộ. Phong tục này đã gắn bó với con người nơi đây khá lâu và cho đến hiện nay nó vẫn được người dân duy trì và cử hành trong các lễ cưới hỏi.
Qua bài trên, bạn có thể thấy lễ lên đèn tạo ra sự khác biệt cho phong tục cưới hỏi miền Nam. Hy vọng bài viết sẽ giúp cho các cặp đôi miền Nam hiểu về nghi lễ thiêng liêng này và thực hiện nó thành công trong ngày lễ trọng đại của mình nhé.