Thân gửi các Dâu Rể,
Hiện tại có nhiều Dâu Rể còn thắc mắc về chụp ảnh phóng sự cưới (PSC) là gì? Chụp những gì? Sau khi Phát search về đề tài này để xem đã có những bài viết nào chia sẻ về vấn đề này chưa thì kết quả là 1 phần có diễn giải nhưng chủ yếu là nói 1 số ý chính như là “chụp khoảnh khắc” hoặc “chụp tự nhiên”… điều này đúng nhưng chưa đủ, 1 số bài khác thì lại nói thiên về chuyên môn nhiếp ảnh nên sẽ rất khó hiểu cho các Dâu Rể.
Chính vì vậy mà Phát viết bài này để giải thích cho Dâu Rể về việc chụp phóng sự cưới 1 cách đầy đủ nhưng dễ hiểu nhất có thể nhé.
I. Định nghĩa ảnh phóng sự cưới:
Có nhiều định nghĩa và nhiều trường phái phóng sự cưới khác nhau. Để đơn giản hóa mình phân tích ảnh phóng sự cưới là ảnh:
Có tính phóng sự
Là ảnh Cưới
Tính phóng sự thể hiện ở việc ảnh PSC mang tính chất là ảnh báo chí. Chính vì vậy giá trị của nó nằm ở chỗ thông tin, bức ảnh có càng nhiều thông tin thì càng có giá trị. Và đặc biệt, nếu thông tin bức ảnh là thông tin thật, có ý nghĩa với cô dâu chú rể thì bức ảnh sẽ càng giá trị hơn và có ý nghĩa hơn. Tính phóng sự của ảnh PSC còn được thể hiện ở chỗ đây là 1 thể loại kể chuyện bằng hình ảnh. Có nghĩa là nhìn vào 1 bộ ảnh phóng sự cưới, chúng ta phải biết được ngày cưới hôm đó diễn biến như thế nào, những hoạt động nào là chính, những khoảnh khắc nào là có ý nghĩa. Nếu bộ ảnh có thể khắc họa được luôn những yếu tố khó hơn như là trong ngày cưới cô dâu dành tình cảm cho ai nhiều nhất, ai là người bạn thân nhất của dâu rể hoặc ai là người yêu thương dâu rể nhất, họ hạnh phúc, xúc động ra sao trong ngày trọng đại của dâu rể… thì bộ ảnh lại càng có thêm giá trị
Ảnh PSC còn là ảnh cưới nên nó không đơn thuần là mang thông tin như ảnh báo chí mà nó còn có 1 yếu tố nữa là “CƯỚI”. Ảnh phóng sự cưới cần đẹp về tính thẩm mỹ, cần đẹp về cảm xúc. Thế nào là 1 bộ ảnh đẹp về mặt thẩm mỹ? Điều đó phụ thuộc vào các yếu tố nhiếp ảnh như là góc máy, ánh sáng được photo sử dụng, bố cục được photo chọn hoặc những yếu tố ngoài nhiếp ảnh như trang phục Dâu Rể, trang trí gia tiên đẹp, hoa cầm tay đẹp… Còn đẹp về cảm xúc là mặc dù ảnh PSC lưu lại các khoảnh khắc chân thực nhưng tuyệt đối không được chụp những bức ảnh dìm các nhân vật trong hình, những lúc mà cảm xúc của họ thể hiện ra không đẹp (trừ những tình huống mà cảm xúc đó có 1 ý nghĩa nào đó thật đặc biệt và phải giữ lại). Ví dụ Dâu đang ngáp chẳng hạn, chụp xong là Dâu khỏi trả tiền luôn.
II. Vậy ảnh phóng sự cưới sẽ chụp những gì?
Với tiêu chí kể chuyện bằng hình ảnh, photo sẽ chụp toàn bộ diễn biến của ngày cưới. Và để bổ sung thông tin cho các sự kiện trong ngày cưới, photo sẽ chụp những bức ảnh chứa đựng thông tin cho từng sự kiện diễn ra. Và tất cả những bức ảnh ấy phải bổ trợ cho câu chuyện ngày cưới mà bộ ảnh PSC muốn kể.
Ví dụ lúc cô dâu makeup, photo có thể chụp diện mạo, thần thái của dâu lúc đó. Ảnh phóng sự cưới cần tính thẩm mỹ cho nên nếu thần thái dâu khi xấu khi đẹp thì sẽ canh lúc nào đẹp thì chụp hoặc chọn ra tấm đẹp khi lựa hình. Hoặc là cũng có thể photo sẽ tác động vào ít nhiều để tăng tính thẩm mỹ cũng được. Có trường phái PSC phản đối việc can thiệp nhưng đối với mình thì mình dung hòa tính chân thực và tính thẩm mỹ của ảnh PSC, miễn sao là kể đúng câu chuyện.
Rồi cũng lúc Dâu makeup thì có thể chụp toàn cảnh căn phòng để lấy thông tin địa điểm dâu makeup, chụp cái đồng hồ, cuốn lịch để kể lại lúc đó dâu makeup mấy giờ, chụp ảnh mẹ của Dâu đang chuẩn bị trang phục, dọn dẹp nhà cửa thế nào trong lúc dâu makeup, chụp họ hàng đang quây quần bên nhau, nói cười vui vẻ thế nào tại thời điểm đó. Nói chung thì cứ càng nhiều thông tin càng tốt.
Rồi chúng ta có thể lấy cái váy, đôi giày của Dâu ra chụp để ghi lại thông tin là cái váy của Dâu đẹp thế nào, đôi giày xinh như thế nào… và chụp chân dung cô dâu cũng là cái cần có trong ảnh phóng sự vì nó cũng mang lại thông tin thể hiện hôm đó dâu xinh như thế nào…
Chụp nhóm 1-2-3… cười hay còn gọi là Group photo theo mình cũng là 1 phần của ảnh PSC vì nó bổ trợ thông tin những ai xuất hiện trong ngày cưới, và thời điểm chụp Group cũng là 1 sự kiện trong ngày cưới.
Chụp PSC có nhất thiết phải kéo chú rể ra cửa sổ chỉnh áo, nhìn đồng hồ ko? Tùy quan điểm của Dâu Rể và photo thỏa thuận với nhau. Chú rể có mong chờ đến giờ gặp cô dâu nhưng ko biết thể hiện thế nào để lưu lại sự mong chờ ấy, photo có thể hỗ trợ cho shot hình ra cửa sổ nhìn đồng hồ
Chụp PSC có nhất thiết phải treo váy lên cửa hay mặc váy vào manocanh? Như đã nêu bên trên, chụp cái váy Dâu hôm ấy trông như thế nào cũng là 1 thông tin và để thể hiện thông tin ấy, nếu Dâu cảm thấy thích cầm chiếc váy để chụp thì OK, thích trải cái váy lên giường chụp cũng OK hoặc là thích mặc vào manocanh hay treo lên cửa cũng là 1 cách để thể hiện thông tin về cái váy, miễn sao cả Dâu Rể và photo cảm thấy đẹp và đủ thông tin là OK.
Nói như thế không lẽ… cái gì cũng chụp?
Chọn lọc ảnh PSC để chụp cũng đồng nghĩa với việc chọn lọc các sự kiện, các khoảnh khắc, các thông tin mà Dâu Rể muốn ghi lại trong câu chuyện của mình. Ví dụ Dâu thuê 1 dàn bưng quả là những người xa lạ thì có khả năng cao khoảnh khắc các bạn ấy nói chuyện vui cười với nhau là ko có ý nghĩa đối với Dâu. Hoặc Dâu Rể là những người trầm tính thì có thể không cần những bức ảnh đùa giỡn với dàn bưng quả, thay vào đó là những bức ảnh trò chuyện trong phòng makeup. Việc chọn lọc này phụ thuộc rất nhiều vào việc giao tiếp, thảo luận, lên timeline giữa Dâu Rể và photo. Bởi vì cùng 1 ngày cưới mỗi người có thể kể 1 câu chuyện theo 1 cách khác nhau. Và kể theo cách nào mà Dâu Rể cảm thấy thích nhất, ý nghĩa nhất và 10 năm, 20 năm sau xem lại vẫn thấy ý nghĩa là do Dâu Rể và photo thống nhất.
III. Phân biệt ảnh phóng sự cưới và ảnh truyền thống:
Ảnh truyền thống vẫn chụp đủ diễn biến của ngày cưới nhưng khác ảnh PSC ở chỗ là ít thông tin bổ sung. Ví dụ thời điểm trao quả, ảnh truyền thống chụp lại đúng diễn biến của thời điểm đó nhưng sẽ giảm đi việc chụp các thông tin bổ sung như là lúc trao quả, thì CR có cảm xúc hào hứng thế nào, CR cười nói vui vẻ thế nào với dàn quả lúc trao quả…
Chụp Group photo thì ảnh truyền thống sẽ dừng lại ở việc chụp đủ mặt, đủ người. Còn ảnh PSC thì những lúc chụp xong tấm 1-2-3-cười, photo có thể bấm thêm những tấm tự nhiên mà khi đó mọi người nghĩ là đã chụp xong rồi nên thoải mái tự nhiên hơn.
Ảnh truyền thống chụp theo “tư duy truyền thống” hơn. Nó thể hiện ở nhiều chỗ như quan điểm của các thế hệ trước là chụp đủ chân đủ tay, chụp người là chủ yếu, ít chụp đồ vật, góc máy thẳng là chủ yếu. Chính vì vậy mà những tấm ảnh chụp detail như váy, giày, nhẫn sẽ ít được chú ý, các góc máy sáng tạo cũng sẽ ít được quan tâm hơn.
Bài viết khá dài, tuy nhiên Phát đã tóm ý rất nhiều và cố gắng làm cho dễ hiểu, mong các Dâu Rể hiểu được rõ hơn về thể loại ảnh phóng sự cưới.
Cảm ơn các Dâu Rể nhiều